Chẳng phải thi thố gì, bỗng một ngày được các trường nổi tiếng thế giới trao học bổng trị giá chục nghìn USD. Đó là chuyện có thật của các “chuyên gia săn học bổng” Nguyễn Thái Bình, Bạch Thị Thúy Hà…
Nguyễn Thái Bình (sinh năm 1982) từng là chủ nhân của 7 học bổng danh tiếng và hiện đang bảo vệ Luận án tiến sĩ tại ĐH Cambridge (học bổng Gates Cambridge Scholarship), đồng thời là đại diện của Quỹ học bổng Đồng hành tại Anh.
Bạch Thị Thúy Hà (sinh năm 1983) cũng từng “săn” được 5 loại học bổng đã được các trường tại Mỹ, các nước châu Âu “chọn mặt gửi vàng”. Hà đang theo học Master, học bổng Eramus Mundus trị giá 48.400 euro do Liên minh châu Âu (EC) cấp.
Chào hai bạn, rất nhiều bạn trẻ muốn biết các bạn tìm đến những học bổng đó như thế nào?
Thúy Hà: Thời gian học tại khoa Hóa (ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội), em đã được nhận học bổng của Quỹ Đồng hành (học bổng dành cho sinh viên nghèo học giỏi tại trường khối khoa học tự nhiên tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng).
Từ đó, em được các anh chị là thành viên của Quỹ đang du học tại các nước châu Âu, Mỹ giới thiệu các địa chỉ, các trường uy tín, danh tiếng để em nộp hồ sơ.
Thái Bình: Em cất công tìm hiểu nhiều loại học bổng, sau đó khoanh vùng và đi sâu tìm hiểu những học bổng nào mình có thể tiếp cận.
Việc tìm hiểu là rất quan trọng, nhưng giành được nhiều học bổng lớn thế, chắc hẳn hai bạn phải có công nghệ “săn”?
Thái Bình: Chẳng có “công nghệ” ghê gớm nào đâu. Bí quyết là phải có vốn kiến thức kha khá và những thành tích mình đạt được. Điều quan trọng là phải làm cho hội đồng tuyển chọn tại các trường hiểu được khả năng thực của mình.
Thúy Hà: Để trở thành chủ nhân của các học bổng ấy, điều quan trọng là mình phải giới thiệu được hết khả năng, thành tích… của mình.
Trong hồ sơ xin học bổng, càng giới thiệu nhiều về mình càng tốt. Không chỉ với em mà nhiều bạn đang du học khác, kinh nghiệm viết Curriculum Vitae (CV – Sơ yếu lý lịch), đơn xin học bổng và hồ sơ xin học bổng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Bí quyết làm hồ sơ “săn” học bổng
Hai bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm viết CV, đơn xin học bổng và việc hoàn thiện hồ sơ xin học bổng?
Thúy Hà và Thái Bình: Điều đầu tiên trong CV là nhấn mạnh khả năng ngoại ngữ và tin học của mình. Độ dài của CV tùy vào nơi mà mình định xin học bổng. Nếu xin học bổng ở các nước châu Âu thì chỉ nên viết CV vừa 1 trang (khổ A4) nhưng nếu xin học bổng tại Mỹ thì dài hơn.
Trong CV nên ghi rõ mình đã từng học ở đâu, tốt nghiệp loại gì, các thành tích đặc biệt đã đạt được. Phần được hội đồng xét tuyển quan tâm còn là kinh nghiệm của cá nhân đó (đã từng tham gia đề tài, công trình nghiên cứu khoa học nào, đi thực tập ở đâu, người viết CV phải nhấn mạnh khả năng làm việc theo nhóm của mình…).
Đối với đơn xin học bổng cần phải nhấn mạnh mình đã tìm hiểu kỹ về lĩnh vực mình muốn xin học. Lĩnh vực đó gây được nhiều hứng thú cho bản thân và mình tự nhận thấy có đầy đủ khả năng theo học và sẽ đạt kết quả tốt.
Trong hồ sơ xin học bổng nên nộp theo tất cả giấy khen và giấy chứng nhận kết quả học tập và nghiên cứu của mình. Tất cả những giấy tờ này nên dịch ra tiếng nước ngoài (tùy vào ngôn ngữ tại quốc gia mình xin học bổng) và có công chứng.
Để hoàn thiện hồ sơ, nên xin kèm khoảng 2 thư giới thiệu (letter of recommendation) của 2 người đang làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu có học hàm, học vị cao, uy tín và được giới nghiên cứu khoa học biết đến. Thư giới thiệu của các giáo sư đầu ngành sẽ là lợi thế quan trọng trong việc xin học bổng.
Từ kinh nghiệm của bản thân, 2 bạn có thể giới thiệu với độc giả trẻ tuổi những website cung cấp học bổng đáng tin cậy?
Thúy Hà: Đây là website cung cấp học bổng ở Pháp và châu Âu:
www.amasa-master.net
http://ec.europa.eu/deucation/programmes/mundus/index_en.html
http://www.auf.org/article452.html
http://www.egide.asso.fr/fr/programmes/eiffel/
Thái Bình: Hiện em là thành viên của đội tư vấn online cho những người muốn du học sau đại học.
Các bạn có nhu cầu có thể gửi email đăng ký xin tư vấn tại địa chỉ: [email protected] Hoặc website của Quỹ Đồng hành: www.donghanh.net