Có thể một số bạn đã biết, quỹ học bổng Đồng Hành được thành lập bởi một số anh chị sinh viên Việt Nam cũ của trường Ecole Polytechnique tại Pháp (người sáng lập và chủ tịch đầu tiên là anh Trần Văn Xuân khóa 2000). Từ đó đến nay, quỹ đã mở rộng số lượng thành viên, nhưng lực lượng chủ chốt vẫn là các sinh viên Việt Nam học tại trường.
Là sinh viên khóa 2004 của Ecole Polytechnique, tôi thực sự thấy may mắn được học trong một ngôi trường như vậy. Chúng tôi thực sự mong muốn có nhiều sinh viên Việt Nam tài năng và giỏi giang tiếp tục con đường của chúng tôi đã đi qua. Ở Việt Nam, Ecole Polytechnique thường được dịch là Trường Bách Khoa Paris.
Có một điều mà không phải ai cũng biết, ở Pháp có hai hệ thống giáo dục bậc cao dành cho sinh viên: hệ thống Đại học (Université) và hệ thống Trường lớn (Grande Ecole). Các Trường lớn nói chung được coi là hoàn hảo và chất lượng hơn các trường Đại học. Điều khác biệt rõ nét ở đầu vào: muốn vào một Đại học (Université) ở Pháp, bạn chỉ cần xét điểm tốt nghiệp phổ thông (Baccalauréat) và điểm hồ sơ, trong khi muốn vào một Trường lớn (Grande Ecole), bạn còn phải ôn tập 2 năm nữa và thi vào Trường đó (như thi đại học ở Việt Nam, nhưng với trình độ năm thứ 2 đại học). Ngoài chất lượng đầu vào được lựa chọn, các Trường lớn có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên tốt hơn, và được đầu tư nhiều tiền hơn.
Trong số các Trường lớn về công nghệ, trường Ecole Polytechnique dẫn đầu về chất lượng đào tạo cũng như số tiền được đầu tư ở Pháp. Với lịch sử 200 năm, Ecole Polytechnique đã đào tạo cho nước Pháp rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới (nhà toán học Cauchy, Poisson, … các nhà vật lý: Gay-Lussac, Fresnel, Becquerel,…), các sáng lập viên hay tổng giám đốc của các hãng công nghiệp, thời trang, tài chính (Airbus, Air France, LVMH – tập đoàn của các nhãn hiệu thời trang Louis Vuitton và Christian Dior, hãng ô tô Renault, Citroen, …)([1] [2] [3]).
Ecole Polytechnique, cùng với các Trường Lớn khác, đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo tầng lớp tinh hoa, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học và kỹ sư cho nước Pháp, góp phần không nhỏ tạo dựng lên vị thế của nước Pháp ngày nay.
Trước kia, trường Ecole Polytechnique đã có một số sinh viên Việt Nam, người đầu tiên là giáo sư toán học Hoàng Xuân Hãn (khóa 1930), người đã trở về Việt Nam từ năm 1936. Ông dạy toán tại trường Bưởi, dạy Cơ học Đại học Khoa học Hà Nội. Ông tham gia hội truyền bá quốc ngữ (là người đặt bài vè « o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thời thêm râu »). Sau đó ông giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục – Mỹ thuật trong nội các Trần Trọng Kim, và với thời gian tồn tại ngắn ngủi của nội các này, ông đã soạn thảo ban hành chương trình Trung học. Sau cách mạng tháng 8, ông tiếp tục có những đóng góp quan trọng về lịch sử, và văn hóa Việt Nam [4]. Giáo sư Bùi Huy Đường, sinh ra tại Việt Nam, ông làm việc tại phòng nghiên cứu cơ học chất rắn của Ecole Polytechnique và ông cũng là cựu sinh viên trường khóa 1957. Ông được bầu vào Viện Hàn Lâm Khoa học Pháp vào năm 1995 [5].
Toàn cảnh Ecole Polytechique nhìn từ trên cao
Trong vòng 15 năm trở lại đây, Ecole Polytechnique đã mở rộng tuyển các sinh viên nước ngoài vào trường qua các kỳ thi tuyển ở Pháp hay ở nước sở tại.
Chúng tôi, trên ghế các trường Đại học ở Việt Nam, đã thi và trúng tuyển vào ngôi trường này, và đa phần chúng tôi thi các môn khoa học bằng tiếng Anh, không phải tiếng Pháp. Với yêu cầu cao về khoa học, Ecole Polytechnique đã không giới hạn việc thi tuyển bằng tiếng Pháp trên thế giới, vì họ biết rằng có nhiều sinh viên giỏi về khoa học (Toán, Lý, …), nhưng chỉ biết tiếng Anh. Khi trúng tuyển, chúng tôi sang Pháp học tiếng khoảng 9 tháng trước khi vào học tại Ecole Polytechnique cùng với các bạn sinh viên Pháp và quốc tế khác.
Có lẽ không chỉ chúng tôi cảm thấy hạnh phúc, mà chắc hẳn tất cả sinh viên của trường Ecole Polytechnique đều cảm thấy như vậy. Chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào trên khuôn mặt cha mẹ chúng tôi, cũng như trên khuôn mặt những người thân của các bạn sinh viên Pháp, đã nỗ lực và cố gắng để vào ngôi trường đầy truyền thống và vinh quang này. Chúng tôi được hưởng nền giáo dục tốt nhất của nước Pháp.
Điều đó chắc hẳn giống như niềm vui của cha mẹ các bạn khi các bạn đỗ Đại học. Với một số bạn, điều đó đôi khi đồng nghĩa với gánh nặng vật chất để tiếp tục con đường học hành.
Nhưng chúng tôi không có gánh nặng đó. Trường Ecole Polytechnique không yêu cầu các bạn đóng học phí, hơn nữa sẽ lo cho các bạn đủ tiền sinh hoạt ở Pháp. Đối với tất cả chúng tôi, mặc dù một số đã ra trường, điều đó vẫn như một giấc mơ: được học ở Ecole Polytechnique và được học bổng. Học bổng chỉ bị cắt khi có sinh viên bị ở lại lớp, và điều này, thực ra, rất khó xảy ra.
Ecole Polytechnique không được quảng bá rộng rãi như các trường Havard, MIT, … (Mỹ), Cambridge, Oxford (Anh), … hay nằm ở thứ hạng cao trên các bản xếp hạng các trường Đại học tương xứng với chất lượng đào tạo của nó. Chẳng hạn, theo bảng xếp hạng QS World University Rankings 2009 [6] , Ecole Polytechnique xếp thứ 36 trên thế giới, trong khi Top 10 thuộc là các trường Đại học ở Anh và Mỹ. Chúng tôi tin rằng các bảng xếp hạng đó dựa trên nhiều chỉ số tính theo tổng số thành tích. Trong khi đó, Ecole Polytechnique là một trường có quy mô nhỏ – tổng cộng khoảng 2700 sinh viên (2000 sinh viên trình độ đại học và 700 nghiên cứu sinh Master, PhD) [7] so sánh với gần 20000 sinh viên của đại học Havard. Sự so sánh đó là khập khiễng. Tính riêng, mỗi sinh viên của Ecole Polytechnique được đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất, học tập và nghiên cứu. Chúng tôi cho rằng, với 2000 sinh viên bậc Đại học được tuyển chọn vào loại ưu tú nhất của nước Pháp và thế giới, hệ thống giáo viên và cơ sở nghiên cứu được đầu tư, bên cạnh truyền thống hơn 200 năm của mình, Ecole Polytechnique xứng đáng được quảng bá nhiều hơn nữa.
Các lĩnh vực đào tạo của Ecole Polytechnique rất rộng. Hai năm đầu, các sinh viên chọn các môn học trong nhiều lĩnh vực khác nhau, với yêu cầu phải học ít nhất trong 6 bộ môn khác nhau (Toán, Toán ứng dụng, Cơ học, Vật lý, Kinh tế, Khoa học máy tính, Sinh học, Hóa học, môn Thực nghiệm). Đến năm thứ 3, họ chọn chuyên ngành với một số điều kiện trong các môn học của năm thứ 2, và coi như học Master năm thứ 1. Đến năm thứ 4 (năm cuối), các sinh viên, mặc dù vẫn là sinh viên của trường, có nhiều sự lựa chọn trong tay: học năm cuối tại một trường khác của Pháp, học một chương trình Master năm thứ 2 (hoặc học cả hai), hoặc là họ sẽ đăng ký học tiếp ở các trường nước ngoài như Cambridge, Imperial Colledge London, … (nước Anh), Harvard, MIT, … (nước Mỹ). Nhìn chung, tốt nghiệp Polytechnique, mỗi sinh viên có ít nhất 2 bằng: bằng kỹ sư của trường Polytechnique, và một bằng khác phụ thuộc vào sự lựa chọn của sinh viên.
Bên cạnh đó, Ecole Polytechnique, với truyền thống là một trường quân sự của Pháp, dưới sự quản lý của Bộ Quốc Phòng Pháp, rất chú trọng đến thể thao. Tất cả sinh viên đều ở trong ký túc xá, khá tiện nghi, của trường và được chia thành các nhóm thể thao : bóng đá, bóng rổ, bơi lội, đấu kiếm, judo, … Có ba buổi tập thể thao trong tuần.
Thực ra Ecole Polytechnique không hoàn toàn là trường quân đội, vì sau đó sinh viên không có một nghĩa vụ nào cả, ngoài việc các sinh viên Pháp có quyền chọn phục vụ cho quân đội sau này. Ecole Polytechnique đào tạo cho Pháp không ít thống chế và tướng lĩnh. Các bạn sinh viên quốc tế không có bất kỳ rằng buộc nào với Bộ Quốc Phòng Pháp. Và điều mà ai cũng biết, trường của Bộ Quốc phòng luôn được đầu tư nhiều tiền hơn trường của Bộ Giáo Dục.
Để có một cái nhìn về trường, các bạn có thể xem một đoạn video ngắn về Ecole Polytechnique: Giới thiệu về Ecole Polytechnique và một lễ diễu binh truyền thống kỷ niệm Quốc khánh Pháp của sinh viên Ecole Polytechnique tại đại lộ Champs Elysée thuyết minh (bằng tiếng Pháp) bởi đài TF1: Diễu binh kỷ niệm Quốc khánh Pháp 2007
Với truyền thống xuất sắc của Ecole Polytechnique, các công ty của Pháp đều ưu tiên tuyển dụng các sinh viên của trường với mức lương khởi điểm cao hơn các sinh viên trường khác. Bằng tài năng của mình, các cựu sinh viên nhìn chung đều thăng tiến trong sự nghiệp. Một nửa các tổng giám đốc các tập đoàn lớn của Pháp là cựu sinh viên Ecole Polytechnique.
Hiện tại, các sinh viên Việt Nam mới tốt nghiệp ở trường Polytechnique trong 15 năm trở lại đây đang có những bước khởi đầu thành công trong sự nghiệp của mình. Lấy một số ví dụ : anh Đỗ Quốc Anh (khóa 1997), sau khi tốt nghiệp Ecole Polytechnique, anh đã làm tiến sĩ về kinh tế tại Đại học Harvard (Mỹ) và hiện tại đang giảng dạy Đại học tại Singapore (Singapore Management University) [8]. Anh Ngô Đắc Tuấn, cũng khóa X1997, đang nghiên cứu Toán Lý Thuyết tại Paris tại trường Paris 11. Trong thời gian học ở Ecole Polytechnique, anh xếp hạng tương đương với thủ khoa của khóa (trường xếp hạng theo điểm 400 học sinh Pháp từ 1 đến 400, khoảng 100 sinh viên quốc tế còn lại được xếp xen vào) [2]. Có thể kể tên anh Lương Tuấn Anh, khóa 2000, sau khi tốt nghiệp anh học tiến sĩ ở đại học Princeton (Mỹ), và hiện đang dạy tại trường Đại học Tài chính Kinh tế Thượng Hải, và vừa được BBC phỏng vấn [9]
Có một số anh chị đã về Việt Nam, chẳng hạn như anh Nguyễn Trần Thuật, khóa X2000, làm về Vật lý, sau khi có bằng Tiến sĩ, đã trở về làm Giám đốc công nghệ của công ty VFO (Viet fibre optics corporation) về chuyển giao công nghệ sợi cáp quang tại TP Hồ Chí Minh. Gần hơn nữa có anh Hoàng Tiến, khóa X2002, trở về Hà Nội, và đang làm phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn Tài chính Dầu khí Việt Nam, trực thuộc PVFC [10]. Còn nhiềucựu sinh viên khác của Ecole Polytechnique mà chúng tôi không thể kể hết tên ở khắp các lĩnh vực như nghiên cứu, công nghệ, tài chính, ngân hàng… ở nhiều nơi trên thế giới, khiến chúng tôi rất tự hào.
Trong thời gian gần đây, số lượng sinh viên Việt Nam đăng ký thi và trúng tuyển vào Ecole Polytechnique ngày một ít đi. Chúng tôi tin rằng các sinh viên tài năng, hoài bão ở Việt Nam không hề thiếu nhưng có lẽ họ không nắm đủ thông tin. Vì thế, chúng tôi đã cùng nhau để lập một kế hoạch quảng bá hình ảnh của Ecole Polytechnique cho Việt Nam, mang tên ImageX để các bạn nắm rõ thông tin hơn về trường và kỳ thi tuyển sinh. « Image » là hình ảnh, X là tên thông dụng ở Pháp khi nói về Ecole Polytechnique. Trang web của ImageX sẽ được đưa lên mạng trong thời gian sớm nhất.
Chúng tôi muốn các bạn thêm một sự lựa chọn, mà với những gì trình bày ở trên, đó là một sự lựa chọn hoàn hảo. Đó là cơ hội rất lớn cho các sinh viên tài năng ở Việt Nam, và cũng là điều Ecole Polytechnique mong muốn hơn nữa: đào tạo nhiều hơn nữa những sinh viên xuất sắc nhất của Việt Nam. Ngôi trường giỏi đào tạo nhiều sinh viên giỏi, và chính các sinh viên giỏi làm trường thêm nổi tiếng.
Vì thế, trong vô vàn ước mơ cao đẹp của các bạn, hãy có thêm một ước mơ :« học ở trường Ecole Polytechnique của nước Pháp ». Đáng quý hơn nữa, các bạn nỗ lực và gắng sức để biến ước mơ đó thành hiện thực bằng việc đăng ký thi tuyển. Sự nỗ lực, tài năng của các bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.
Lịch thi tuyển và các nội dung đến kỳ thi của năm 2010 đã được đăng tại địa chỉ của Ecole Polytechnique: http://www.admission.polytechnique.edu/home/international-admissions/calendar/calendar-24275.kjsp [11]. Ở trong trang của trường có đầy đủ thông tin về hồ sơ dự thi tuyển, lịch thi, … Chúng tôi trước đây dựa vào trang web này để làm hồ sơ dự thi. Hạn đăng ký hồ sơ trên mạng là ngày 01/10/2010.
Thông tin đầy đủ hơn hơn về trường Ecole Polytechnique, các sinh viên Việt Nam học tại trường, cũng như nội dung thi cử, các bạn hãy vào trang ImageX sắp được đưa lên, hoặc gửi thư tới hộp thư : [email protected]. Chúng tôi, trong điều kiện thời gian của mình, sẽ cố gắng trả lời sớm nhất.
Chúng tôi chờ các bạn.
Người viết: Vũ Hoàng Hiệp. Bài viết được đọc lại, góp ý và bổ sung bởi các thành viên trong Đồng Hành và ImageX.
——————————————————————————–
Tham khảo :
[1] http://en.wikipedia.org/wiki/%C3%89cole_Polytechnique
[2] http://vi.wikipedia.org/wiki/Trường_Bách_khoa_Paris
[3] http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_%C3%89cole_Polytechnique_alumni
[4] http://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_Xu%C3%A2n_H%C3%A3n
[5] http://www.lms.polytechnique.fr/annuaire_nom.php?id=16
http://www.academie-sciences.fr/membres/B/Bui_Huy_Duong_bio.htm
[6]http://www.topuniversities.com/university-rankings/world-university-rankings/2009/results
http://www.topuniversities.com/university/178/–cole-polytechnique
[7] http://www.polytechnique.edu/home/about-ecole-polytechnique/
[8] http://www.mysmu.edu/faculty/quocanhdo/default_files/About.htm
[9] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2010/06/100602_viet_talent_shanghai.shtml
[10] http://pvfcinvest.vn//index.php?option=com_content&task=view&id=12&Itemid=3
[11] http://www.admission.polytechnique.edu/home/international-admissions/calendar/calendar-24275.kjsp
Bản tiếng Pháp: http://www.admission.polytechnique.edu/accueil/concours-cycle-polytechnicien/filiere-universitaire-candidats-internationaux/calendrier/