(Phỏng vấn anh Trần Văn Xuân, người sáng lập Quỹ học bổng Đồng Hành)
Anh Trần Văn Xuân hiện là quản lí nhóm nghiên cứu và phát triển chuyên về Cơ học rắn và Động học chất lỏng (Computational Fluid Dynamics and Solid Mechanics) tại Tập đoàn Điện lực Quốc gia Pháp (EDF), chi nhánh Manchester, Anh. Từng là sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM năm 1997-2000, anh giành được cơ hội du học kĩ sư – thạc sĩ tại trường Bách khoa Paris (Ecole Polytechique, Pháp), sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (2009) tại Đại học Michigan, Mỹ. Anh là người sáng lập Quỹ học bổng Đồng Hành tại Pháp năm 2001.
Năm đầu đại học – Câu chuyện về kĩ năng và sự hoà nhập
Chào anh Xuân, cảm ơn anh đã nhận lời mời phỏng vấn của ban biên tập. Câu hỏi đầu tiên xin phép đặt cho anh: Quê anh ở đâu, nơi đó được xem là nông thôn hay đô thị?
Quê anh ở Gò Dầu, Tây Ninh. Nơi anh sống không có đồng lúa như nông thôn, nhưng cũng không mang dáng dấp của trung tâm đô thị. Anh sống cách Sài Gòn 100 cây số. Trước khi vào đại học chỉ mới đến đó 1, 2 lần.
Từ quê lên thành phố trong những ngày đầu ở đại học, anh có gặp khó khăn gì trong cuốc sống không?
Khó khăn đầu tiên là không có gia đình bên cạnh, nên phải đối diện mọi thử thách một mình. Tiếp đến, cách học ở đại học khác hẳn với cách học phổ thông, cần phải có một khoảng thời gian chuyển đổi, thích nghi. Ngoài ra, anh phải tự trang trải những chi phí của cuộc sống.
Anh có thấy mình thiệt thòi hơn các bạn sống ở Sài Gòn từ nhỏ? Hay nói chung như anh quan sát trong lớp – trường mình, có khoảng cách nào giữa các bạn đến từ các miền quê với các bạn ở thành phố không?
Với bản thân anh, điều anh thiếu so với các bạn ở thành phố là thông tin. Đến khi hết học kì I, khi bạn anh nói rằng sẽ đi du học ở Nga, anh mới nhận ra là trước đó chưa bao giờ có ý tưởng đi du học hay nghĩ phải lấy từ đâu thông tin về những cơ hội như vậy. Từ đó, anh tìm đến các bảng thông báo của trường nhiều hơn.
Một điều thiệt thòi nữa cho các sinh viên từ nơi xa lên là lạ lẫm với môi trường, từ đường đi đến nhịp sống.
Vậy có những khác biệt nào về những kĩ năng giữa các bạn từ vùng xa và những bạn ở thành phố không?
Chắc chắn là về khả năng ngoại ngữ. Các bạn đã vào đại học thì đều tương đương về kiến thức chuyên môn khoa học. Nhưng về ngoại ngữ, các bạn từ quê lên kém hẳn. Bản thân anh khá ổn về ngữ pháp nhưng gặp vấn đề về phát âm. Sau này anh khắc phục điểm yếu của mình bằng cách ngoài giờ học, tham gia thêm câu lạc bộ tiếng Anh.
Ngoài ra, các bạn ở quê tuy đều rất nhiệt tình gần gũi, nhưng lại rụt rè, ít tự tin, đôi khi sợ bị chê cười. Phần nào đó anh cũng thấy các bạn hay chơi chung với nhau thành một nhóm đồng hương, vì đã quen biết, cùng học từ trước. Điều này hạn chế sự hoà nhập ở các bạn.
Phải mất bao lâu để anh bắt kịp nhịp sống ở Sài Gòn?
Sau 3 tháng. Lúc này anh đi dạy kèm ở Thủ Đức. Anh cần làm thêm vì anh luôn gặp khó khăn về tài chính. Thời gian đầu đi bằng xe đạp hết 45 phút mỗi lượt đi, về. Nhưng nhờ đó quen đường hơn, năng động hơn. Đây cũng là thời điểm anh cảm thấy hoà nhập được với Sài Gòn.
Vậy với các bạn sinh viên, làm cách nào để cải thiện những kĩ năng mà các bạn đang thiếu, thu hẹp khoảng cách với những bạn ở đô thị, bắt kịp nhịp sống thành phố?
Tất nhiên, không có cách nào khác các bạn phải thay đổi chính mình: sống năng động, hoà nhập, không ngại giấu dốt, sẵn sàng học hỏi. Như bản thân anh, thấy còn yếu ngoại ngữ, anh có thể tham gia câu lạc bộ tiếng Anh. Để năng động hơn, anh tham gia hoạt động xã hội, đến Nhà văn hoá Thanh niên, v.v. Cũng ở nhà văn hoá mà anh quen được nhiều người thú vị, như bác Michel mà sau này anh gặp lại ở Palaiseau.
Một kinh nghiệm quan trọng nhất từ bản thân mà anh muốn giới thiệu cho cách bạn sinh viên: HÃY ĐI LÀM THÊM!
Có thể có ý kiến cho rằng chỉ những sinh viên gặp vấn đề tài chính mới phải làm thêm để kiếm tiền. Nhưng nhớ rằng ngoài tiền bạc, em còn có KINH NGHIỆM và KĨ NĂNG. Sinh viên kinh tế có thể thử làm nghiên cứu thị trường. Sinh viên xây dựng có thể tìm kinh nghiệm ở công trường. Sinh viên luật có thể thử làm thư kí cho toà án. Đó là những cơ hội rất tốt để có thêm kinh nghiệm và làm đẹp CV của mình.
Câu chuyện về làm thêm và quản lí thời gian
Anh khuyên rằng mọi sinh viên nên làm thêm. Nhưng làm thêm sẽ rất mất thời gian? Thay vào đó, các bạn có thể tập trung nhiều hơn cho việc học?
Đây là điều anh muốn chia sẻ với các bạn sinh viên. Nhiều bạn nghĩ rằng dành toàn bộ thời gian cho việc học thì sẽ học tốt. Gia đình các bạn cũng nghĩ vậy và cấm các bạn làm thêm.
Nhưng câu chuyện ở đây không đơn giản thế. Bộ não con người trung bình mỗi ngày chỉ có thể tập trung cùng lắm là 7-8 giờ. Nếu các bạn sinh hoạt điều độ và tập cho mình thói quen hoàn toàn tập trung khi học/làm việc thì 7 giờ đó còn hiệu quả hơn là “cày cuốc” 12-14 giờ một ngày. Ví dụ như bản thân anh, sau một ngày làm việc thì thời gian 17h – 19h sẽ khó tập trung được. Đó là thời gian anh dành cho việc làm thêm.
Tóm lại, không phải học nhiều thì tốt. Ta phải hiểu nhịp sinh học của cơ thể mình và làm việc hiệu quả vào thời điểm bộ não làm việc tốt nhất. Thời gian còn lại, làm thêm, chơi thể thao, hoạt động xã hội… để duy trì cho cơ thể mình một nhịp sống lành mạnh, điều độ.
Vậy vấn đề là kĩ năng quản lí thời gian?
Đúng vậy. Nếu các bạn học nhiều, các bạn không làm thêm, không thể thao, bù lại bạn tiết kiệm tiền bạc bằng cách nhịn ăn, thì sức khoẻ, kết quả học tập của bạn không thể bằng những người có dành thời gian làm thêm và ăn uống đầy đủ được.
Các bạn cứ lập cho mình một thời gian biểu rõ ràng: thức dậy, học tập, vui chơi, hoạt động,… vào những thời gian nào trong ngày và làm theo nó. Khoảng 2 tuần là quen.
Về việc làm thêm, anh cũng nhắc các bạn quá ham kiếm tiền, việc quan trọng nhất của sinh viên vẫn là học. Bản thân anh từng rất ham làm thêm, từng dạy đến 4 khoá gia sư vào một lúc. Sau khi trượt 1 môn ở học kì II năm thứ hai, anh quyết định bỏ đi một khoá.
Như vậy, quản lí thời gian chính là chìa khoá để có thể làm thêm mà không ảnh hưởng đến việc học. Anh nghĩ thế nào về kĩ năng quản lí thời gian của các bạn trẻ Việt hiện nay?
Không chỉ sinh viên, ngay một số nhân viên người Việt mà anh làm việc cùng cũng thiếu hẳn kĩ năng này.
Vấn đề chung của các bạn là không biết nhìn tổng thể. Các bạn hoàn toàn có thể biết trước chương trình học, những sự kiện, hoạt động diễn ra trong thời gian dài (năm học, học kì), nhưng các bạn không hề lên kế hoạch cho bản thân để thích ứng với chúng. Nếu biết trong 1 tháng nữa là thời điểm bận rộn, thì một số việc phải giải quyết trước ngay từ bây giờ, không thể để nước đến chân mới nhảy. Để thi học kì, bạn phải lập kế hoạch học, ôn cho cả 1 kì chứ không chỉ 2 tuần trước ngày thi, rồi nguỵ biện rằng không đủ thời gian.
Các bạn cần lập kế hoạch: hôm nay làm gì, tuần này làm gì, học kì này làm gì.
Nếu không lập kế hoạch được cho những việc nhỏ, các bạn sẽ không thể lập kế hoạch cho cuộc đời các bạn.
Câu chuyện về hành trang và cơ hội
Anh vừa nhắc đến kĩ năng quản lí thời gian và lập kế hoạch để chuẩn bị kiến thức và kĩ năng cho bản thân. Với tư cách là một người quản lí cho một doanh nghiệp, nếu tuyền dụng một sinh viên ra trường cho bộ phận của mình, anh cần một ứng viên như thế nào? Nói cách khác, hành trang của một sinh viên như thế nào là đủ để được tuyển dụng?
Để qua được vòng sơ tuyển và vào phỏng vấn, đầu tiên CV các bạn phải tốt. Kết quả học tập của bạn ở đại học không thể chỉ ở mức trung bình. Khá là loại tối thiểu anh chấp nhận. Sau đó, vào vòng phỏng vấn, có những yêu cầu sau.
- Một, về kiến thức.
Trong kiến thức, điều đầu tiên là kiến thức chuyên ngành (Technical Excellence). Đây là điều sinh viên được dạy ở nhà trường. Tiếp đến là kiến thức của các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến ngành (Good Knowledge of Relevant Fields). Các bạn làm phần mềm, các bạn phải hiểu một số kiến thức về phần cứng, vì nó liên quan trực tiếp đến ngành của mình. Hay kĩ sư cơ khí phải biết về cơ học tính toán. Không có công việc nào mà mọi thứ đều đã được dạy trong đúng 1 ngành ở nhà trường cả. Cuối cùng, hiểu biết tổng quát về ngành nghề (General Background of Industry) cũng được yêu cầu. Làm một kĩ sư cơ khí trong ngành điện, các bạn phải biết ứng dụng của cơ học trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, để hiểu những việc ta đang có ứng dụng gì, vì sao quan trọng và cần thiết.
- Hai, về kĩ năng.
Anh cần những ứng viên biết làm việc nhóm. Đó là những người biết mình là một phần của cuộc chơi, vị trí của mình thế nào, mục tiêu công việc thế nào; biết đâu là những giá trị chung và riêng và có khả năng trade-off để đạt được mục đích cao nhất của công việc. Tiếp theo là kĩ năng giao tiếp, điều rất yếu với người Việt Nam. Các bạn phải vừa biết giao tiếp chuyên môn, vừa biết giao tiếp với người quản lí để trình bày quan điểm, đề xuất ý tưởng, thể hiện giá trị của mình. Ngoài ra phải có kĩ năng báo cáo tổng hợp, có cách để trình bày ngắn gọn những vấn đề phức tạp và nặng tính chuyên môn để cả những người gần ngành không nghiên cứu trực tiếp vấn đề vẫn có thể hiểu được.
- Cuối cùng, về đam mê nghề nghiệp.
Ứng viên phải tỏ ra năng động, sáng tạo. Nếu không được giao việc làm, bạn có thể tự tìm những việc thú vị và hữu ích cho doanh nghiệp để đề xuất với quản lí của mình.
Vâng đó là hành trang một sinh viên cần chuẩn bị. Nhưng để thành công, một trong những yếu tố quan trọng là cơ hội. Làm sao để nắm bắt được cơ hội?
Anh nghĩ cơ hội sẽ đến nhiều hơn với những người có đầy đủ hành trang cho mình.
Bản thân anh, hồi ở đại học, anh biết cuối khoá sinh viên nào có kết quả tốt nhất sẽ được đi du học với học bổng toàn phần. Vì vậy, anh đặt đó làm mục tiêu phấn đấu và trau dồi mình theo hướng đó.
Tương tự, các bạn muốn du học, các bạn phải học ngoại ngữ, phải biết yêu cầu từ phía trường và hoàn thiện mình theo yêu cầu trên. Với 95% sinh viên Đồng Hành, những người đặt mục tiêu có công việc, cuộc sống ổn định, ít các bạn phải tốt nghiệp loại khá và rèn luyện những kĩ năng cần cho công việc. Khi đó mới sẵn sàng với các cơ hội.
Các bạn có quyền ước mơ 5 năm nữa bạn sẽ trở thành ai. Không ai đánh thuế ước mơ. Nhưng để thực hiện được ước mơ, phải hiểu mình cần gì và thiếu gì. Từ đó, lập một kế hoạch rõ ràng: nếu 5 năm tôi muốn trở thành người như thế, thì sau 4 năm, 3 năm, 2 năm ít nhất tôi phải là người như thế nào? Và để vậy, tôi phải làm gì ngay từ bây giờ, trong 1 năm nữa v.v.?
Có vậy khi cơ hội đến trong 4, 5 năm nữa, ta mới đủ tự tin nắm lấy; thay vì mãi chỉ ước mơ viển vông.
Như vậy có mối liên quan mật thiết giữa cơ hội và hành trang. Những người có hành trang đầy đủ hơn sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn. Vậy anh có lời khuyên gì để các bạn sinh viên chuẩn bị hành trang ngay từ giảng đường đại học?
Dù mục tiêu của bạn sau khi ra trường là gì, ngay từ năm 1, việc quan trọng nhất phải là học, phải quan tâm đến từng tín chỉ. Mục tiêu đầu tiên trong thời gian đại học là phải tốt nghiệp với kết quả tốt.
Mục tiêu thứ hai trong quãng đường này là hiểu rõ được bản thân, đâu là điểm mạnh, yếu của mình; những điểm mạnh dẫn đến lợi thế gì, điểm yếu dẫn đến nguy cơ gì; từ đó biết phát huy hay cải thiện chúng.
Nếu điểm yếu đến từ các thói quen có hại của chính mình, ta phải biết cách hạn chế. Ví dụ, nếu anh nghiện dùng máy tính, anh sẽ bỏ chúng vào tủ, khoá lại để cách li hoàn toàn nó với mình, khi đó anh mới dành thời gian để làm việc quan trọng hơn. Nếu anh lười đọc sách, anh sẽ bỏ tiền ra mua sách, từ đó buộc mình phải đọc vì tiếc tiền.
Những điểm yếu như giao tiếp, làm việc nhóm có thể được khắc phục khi các bạn sống mở, năng động, hoà nhập với xã hội, bằng cách làm thêm, tham dự các câu lạc bộ ngoại ngữ, chơi thể thao, đến các hội thảo – diễn đàn, tham gia các hoạt động tập thể như diễn kịch, hoạt động từ thiện v.v…
Về kiến thức, nếu học từ trường lớp là chưa đủ, các bạn có cả một thế giới Internet. Trên đó, các bạn không chỉ tìm thấy kiến thức, mà còn lấy được niềm cảm hứng từ những chia sẻ, quan điểm của người khác. Tuy vậy, nhớ chọn lọc thông tin trước khi lấy chúng làm kim chỉ nam cho mình.
Ngoài ra, hãy tìm những người đi trước, cùng ngành, cùng mục tiêu để học hỏi. Sẽ rất tốt nếu tìm được một người định hướng cho mình.
Tóm lại, hãy luôn đặt cho mình câu hỏi: Mục tiêu của tôi là gì? Tìm những điểm mạnh, yếu của bản thân, từ đó hoàn thiện mình mỗi ngày.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ và trao đổi cùng ban biên tập. Chúc anh sức khoẻ và thành công!
Thực hiện: Ban biên tập Tập san Đồng Hành kỉ niệm 15 năm thành lập