Tác giả: Nguyễn Duy Tâm
Đồng Hành Singapore
Đó là buổi sáng một ngày cuối năm, một buổi phỏng vấn hồ sơ trực tuyến do mấy anh em chúng tôi trong Quỹ học bổng (HB) Đồng Hành Singapore tổ chức. Đó cũng là lần phỏng vấn trực tuyển đầu tiên của tôi kể từ khi tham gia Đồng Hành theo lời mời của ông bạn, vốn đã từng nhận HB Đồng Hành trước đây và hiện giờ là chủ tịch Quỹ HB Đồng Hành Singapore. Thực lòng cá nhân, tôi ban đầu không mặn mà lắm, vì trước giờ vốn không biết gì về Đồng Hành. Tuy nhiên sự nhiệt huyết của anh bạn chủ tịch quỹ khiến tôi bắt đầu chú ý hơn, và dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động của quỹ.
Các hồ sơ buổi sáng hôm đó đều đã được chúng tôi phân loại ở vòng sơ loại. Qua những thông tin mà các ứng viên cung cấp trong hồ sơ, chúng tôi về cơ bản đều đã nắm được một phần hoàn cảnh của từng bạn sinh viên. Riêng tôi hơi có phần lăn tăn về trường hợp của một nữ sinh viên quê miền Trung. Thành tích học tập của bạn này rất ấn tượng, cộng với hoàn cảnh vô cùng khó khăn: mồ côi bố, mẹ ốm nặng, kinh tế gia đình eo hẹp. Tuy nhiên hồ sơ của em viết khá sơ sài, có vẻ không có sự chuẩn bị chu đáo. Với một con người kỹ tính như tôi, thông thường tôi sẽ chấm điểm thấp và bỏ qua kiểu hồ sơ như vậy. Quan điểm của tôi là những ứng viên biết cách nâng tầm bản thân qua cách viết hồ sơ, sẽ xứng đáng để nhận học bổng hơn là các bạn có đủ tiêu chuẩn nhưng không biết cách làm nổi bật nó. Tuy nhiên lần này tôi quyết định cho bạn này qua vòng sơ loại để đến với vòng phỏng vấn trực tuyến, vì hoàn cảnh của em hiện tại thực sự có phần giống với tôi vài năm trước đây.
Và như một sự sắp đặt, trong số các hồ sơ tôi được phân công phỏng vấn hôm đó, có cả hồ sơ của em sinh viên này. Tôi trao đổi sơ qua với anh bạn cùng nhóm vài điểm quan trọng trong hồ sơ trước khi nhờ bạn cộng tác viên đầu cầu Việt Nam gọi tên. Trước mắt chúng tôi là một bạn nữ sinh viên trông xinh xắn nhưng có phần hơi mảnh khảnh, đang khép nép trước màn hình máy tính. Để giúp em ấy thoải mái, chúng tôi nhấn mạnh rằng đây không phải là một buổi phỏng vấn kiểu đi xin việc, mà chỉ là một cuộc trò chuyện bình thường. Tuy nhiên có vẻ điều đó cũng không giúp giảm bớt được sự căng thẳng đang hiện rõ trên khuôn mặt em. Sau vài lời chào hỏi và giới thiệu về bản thân, chúng tôi theo tiến trình đã định sẵn từ trước, hỏi lại về hoàn cảnh gia đình. Em, vẫn với vẻ mặt căng thẳng và giọng nói lí nhí, bắt đầu trình bày theo yêu cầu của chúng tôi. Nhưng chưa được đến câu thứ hai, khuôn mặt em bỗng nhiên co lại, em cúi đầu xuống và nước mắt bắt đầu trào ra. Dù có vẻ rất lo sợ sẽ làm hỏng buổi phỏng vấn mà tự bản thân em cho rằng rất quan trọng, nhưng dường như cảm xúc này em đã cố kìm nén bấy lâu nay và giờ không thể nào kiểm soát được nữa. Cảm giác bị ai đó đột nhiên chạm vào nỗi đau của mình tôi rất hiểu. Nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn, vất vả. Họ thường rất hay tủi thân và tự ti mỗi khi có ai đó hỏi về gia cảnh của mình. Đó là những gì tôi đã từng trải qua từ thuở ấu thơ cho đến khi học xong đại học.

Tôi và anh bạn nhìn nhau trong im lặng, chỉ có tiếng khóc của em sinh viên cứ dồn dập khiến chúng tôi càng lúc càng bối rối. Một không khí nặng nề bao trùm lấy tất cả dù em ở cách xa hàng ngàn cây số. Tôi tự cảm thấy mình thực sự có lỗi, đã làm tổn thương người khác dù không cố ý, nhất là đối với một nữ sinh nhút nhát như vậy. Chúng tôi cố gắng giúp em lấy lại bình tĩnh để tiếp tục buổi phỏng vấn chỉ vỏn vẹn có 20 phút này. Không yêu cầu em phải kể lại hoàn cảnh gia đình nữa vì qua hồ sơ đã nắm được, chúng tôi chuyển sang hỏi thăm sức khỏe mẹ em. Em bắt đầu bình tĩnh hơn và lại tiếp tục lí nhí trả lời. Hiện tại sức khỏe mẹ em đã tốt hơn, nói đến đây em trở nên tươi tỉnh hơn chút, dù nét sợ sệt vẫn còn hiện rõ trong từng cử chỉ. Em tiếp tục cuộc phỏng vấn với việc trình bày về chuyện tìm nguồn tài chính để theo đuổi việc học của mình. Chúng tôi bắt đầu trở nên kinh ngạc với nghị lực của cô gái trẻ này. Làm thế nào khi đã dành cả ngày cho việc học chính khóa, em vẫn có thể đi làm thêm khoảng 5 tiếng tới 11h tối, sau đó về nhà học bài mà vẫn có được thành tích học tập tốt như thế? Điểm số mà chúng tôi xem trong hồ sơ của em thực sự là ước mơ đối với nhiều bạn sinh viên được gia đình chu cấp đầy đủ, không phải lo lắng bất cứ điều gì. Hồi còn là sinh viên, cũng có một thời gian tôi nhận một lúc ba lớp gia sư để trang trải học phí. Tuy nhiên tôi cũng chỉ dạy mỗi ngày 2 tiếng và tối đa 6 ngày trong một tuần vì cảm thấy khá mệt mỏi. Em chia sẻ cũng muốn đi gia sư cho đỡ vất vả nhưng việc phải đóng tiền đặt cọc qua trung tâm khiến em phải đi tìm các công việc khác nặng nhọc hơn nhưng không mất phí. Dù sao đi nữa, với một nữ sinh vừa rời xa vòng tay mẹ và bước chân vào một thành phố lớn đầy lạ lẫm như vậy, những gì em làm được quả thật khiến chúng tôi ngưỡng mộ. Em cũng tâm sự thêm rằng việc phải căng sức vừa học vừa làm khiến em không có nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ, đặc biệt là những giấy tờ cần phải xin xác nhận ở quê.
Chúng tôi tiến đến phần cuối của buổi phỏng vấn bằng một câu hỏi về ước mơ và dự định tương lai. Kể từ lúc này em như biến thành một con người khác, trái ngược hẳn với vẻ nhút nhát ban đầu. Em nói về ước muốn trở thành luật sư tương lai với ánh mắt đầy quyết tâm. Em muốn kiếm thật nhiều tiền giúp mẹ chữa bệnh và nuôi các em ăn học; sẽ cố gắng bào chữa miễn phí cho người nghèo; và nếu có điều kiện thì sẽ thường xuyên đi làm từ thiện, như những gì chúng tôi đang làm. Và rồi nếu được nhận học bổng, điều đầu tiên em làm là mua thuốc cho mẹ, nếu còn dư dả sẽ cố gắng mua sách vở cho các em trong gia đình. Những điều em dự tính đa phần là vì người khác, không mảy may có lấy một chút suy nghĩ cho bản thân, dù hiện tại em vẫn đang gồng gánh quá nhiều trách nhiệm trên đôi vai nhỏ bé của mình. Chúng tôi kết thúc buổi phỏng vấn bằng một lời chúc thành công đối với em. Trong thâm tâm, tôi thầm cảm ơn cô bé nhỏ nhắn này đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi. Khi mà dù đã trải qua nhiều biến cố và có được điều kiện tuyệt vời hiện tại ở trường đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU), vẫn có nhiều lúc chúng tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản với những trở ngại trong công việc nghiên cứu của mình. Bản thân tôi tin rằng em sẽ làm được, vì đã vượt qua được những thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời, thì không có lý do gì khiến em có thể gục ngã được nữa. Những giọt nước mắt ban đầu không phải là những giọt nước mắt tự ti, yếu đuối như tôi nghĩ, mà là những giọt nước mắt của nghị lực, của ý chí vươn lên ẩn trong một cô gái nhỏ nhắn. Đây cũng là một trong nhiều tấm gương mà quỹ Đồng Hành nói chung, và Đồng Hành Singapore nói riêng đã và đang tìm kiếm, hỗ trợ để giúp các em đạt được những ước mơ của mình.
Nguyễn Duy Tâm