Những tưởng cuộc sống sẽ thuận lợi khi nhà em có thu nhập ổn định nhưng ông trời đã không sắp đặt như vậy…
Đọc hồ sơ Học bổng Đồng hành bao giờ cũng là những giây phút buồn của tôi. Đó là học bổng dành cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và không bao giờ chịu lùi bước.
Buồn không phải vì mình chán công việc này mà buồn vì cảm thấy bất lực trước những mảnh đời éo le, những con người bất hạnh. Có những bạn viết đơn như một lá thư để trải lòng mình, giãi bầy tâm sự với các anh chị để mong được cảm thông chia sẻ. Có bạn viết sơ sài nhưng đến khi phỏng vấn, họ đã làm tôi và người phỏng vấn cùng cũng phải rơi nước mắt khi nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má và nấc lên khi trả lời câu hỏi “bạn có thể kể đôi chút về gia đình bạn không?“. Chính vì thế tôi đã gắn bó với Học bổng Đồng hành được gần 3 năm nay.
Mỗi mảnh đời, mỗi số phận tôi gặp đều có thể dùng chung từ “khó khăn, nghị lực”. Mỗi năm lại có những mảnh đời đáng quan tâm, đáng trân trọng về sức mạnh phi thường vượt khó của các bạn. Năm nay cũng không ngoại lệ, trong số đó có một hồ sơ tôi không mấy ấn tượng và chắc rằng em đó không khó khăn bằng các em khác.
Qua hồ sơ tôi biết, em là con một, bố mẹ làm giáo viên và bản thân đang nằm viện. Tôi thầm nghĩ, chắc bố mẹ em làm cán bộ thì ít ra họ còn có lương và có thể dạy thêm được. Như vậy, ít ra thu nhập của hai người cũng phải hơn 3triệu/ tháng vì bố mẹ em cũng nhiều tuổi, tôi đoán họ có hệ số lương cao. Tóm lại, trong hình dung của tôi lúc đó, gia đình em có tiền để em điều trị hơn các bạn sinh viên khác. Một ý nghĩ thoáng hiện lên trong đầu tôi là em sinh viên đó nghĩ: cứ làm hồ sơ, được thì được mà không được thì thôi…
Tôi cứ nghĩ thế cho đến ngày phỏng vấn…
Nguyễn Thị ….lớp K51SP Khoa ….
Tôi cất tiếng gọi, một lần, rồi hai lần không có ai đáp. Tôi nghĩ thầm chắc là cô sinh viên đó không đến rồi.
Nhưng một giọng nữ nhỏ nhẹ cất lên:
– Thầy ơi, em xin lỗi, bạn ấy không đến được, em có thể phỏng vấn thay bạn đó được không?
Tôi bực bội nghĩ thầm cô sinh viên này thật không biết thế nào là nguyên tắc. Tôi trả lời em:
– Em ơi, nếu bạn ấy ko đến thì thôi chứ thầy không phỏng vấn em thay bạn ấy được đâu! Đó là nguyên tắc và em không phải là đối tượng xin học bổng! Em về đi, thầy rất tiếc là phải gạch tên bạn đó vì hôm nay là buổi phỏng vấn cuối cùng trong 6 buổi phỏng vấn rồi em ạ!
Cô bé đó lấm lét nhìn tôi và bỗng nấc lên:
– Thầy ơi, nhưng bạn ấy đang nằm viện thì làm sao mà đến được ạ? Em là Bí thư lớp, em có thể nói về hoàn cảnh của bạn ấy mà, thầy cho em phỏng vấn thay đi…
Tôi cố làm vẻ cương quyết nhưng cô bé buồn bã vẫn vớt vát một câu: “Em tin là thầy sẽ cân nhắc nếu biết hoàn cảnh của bạn ấy”
Tôi suy nghĩ và chấp nhận lời đề nghị đó, tôi nói:
– Tôi sẽ phỏng vấn qua em nhưng chỉ để tham khảo thôi nhé vì như thế là sai nguyên tắc, còn hôm nào bảo bạn ấy lên gặp tôi!
Cô bé mừng quýnh lên nói lời cảm ơn tôi nhưng nét mặt của em vẫn buồn. Câu chuyện về cô sinh viên đã gửi hồ sơ tới Học bổng Đồng hành bắt đầu đơn giản như thế nhưng đằng sau “mấy câu lý lịch đơn giản” đó là một con người đầy nghị lực, một cuộc sống bất hạnh đến cùng cực.
Em sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm nghề dạy học ở một xã nghèo của tỉnh Quảng Ninh. Những tưởng cuộc sống sẽ thuận lợi hơn với em khi nhà em có thể được coi là có thu nhập ổn định nhất so với những hộ trong xã. Nhưng mà ông trời đã không sắp đặt như vậy…
Ngày em sinh ra là một ngày tràn ngập hạnh phúc với cha mẹ em, những người đã gắn bó đời mình với sự nghiệp trồng người. Nhưng niềm hạnh phúc đó không được bao lâu thì tin buồn đã tới: em mắc chứng bệnh tự miễn – một chứng bệnh nan y có nghĩa là tự cơ thể đào thải các bộ phận của chính mình. Khi đó em ko biết tình hình bệnh tật thực sự của mình thế nào mà chỉ biết rằng thi thoảng ốm phải nằm viện rất lâu rồi lại về.
Mỗi lần như vậy, mẹ đều trấn an em. Để chữa bệnh cho em bố mẹ phải bán tất cả những gì có thể bán cũng như vay mượn họ hàng làng xóm để kéo dài cuộc sống cho em. Thậm chí mẹ em đã từng mơ ước sinh cho em một đứa em để có chị có em, nhưng họ lại sợ sẽ không có nhiều thời gian và điều kiện chăm sóc em… Mẹ em đành nuốt nước mắt và phá đi giọt máu của mình để dồn tất cả tình cảm cho em.
(Còn nữa)
Họ đã sống và tin như thế (phần 2)
Họ đã sống và tin như thế (phần 3)
Chia sẻ từ thầy Trương Ngọc Kiểm, đại diện của Đồng Hành tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH QGHN trong nhiều năm qua.
(Theo báo VietNamNet)